Học viện Kỹ thuật mật mã: Chuyên ngành mới sẽ tập trung trang bị kỹ năng thực tế cho sinh viên
PGS.TS Nguyễn Hiếu Minh, Chủ nhiệm khoa Điện tử Viễn thông, Học viện Kỹ thuật mật mã (KTMM) cho biết, điểm nổi bật của chuyên ngành mới Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động là nhấn mạnh đến tính thực tiễn, đào tạo ra các kỹ sư có khả năng bắt kịp nhanh với công việc.
PGS - TS Nguyễn Hiếu Minh, Chủ nhiệm khoa Điện tử Viễn thông - Học viện Kỹ thuật Mật mã (Ảnh: Minh Quyết)
Theo kế hoạch tuyển sinh đại học chính quy hệ Dân sự 2017 được Học viện KTMM công bố mới đây, bên cạnh 2 ngành An toàn thông tin và CNTT, năm nay trường quyết định mở chuyên ngành mới Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử, Truyền thông (KTĐT-TT). Để giúp các thí sinh hiểu rõ hơn về chuyên ngành đào tạo mới này, ICTnews đã có cuộc trao đổi với Chủ nhiệm khoa Điện tử Viễn thông Học viện KTMM Nguyễn Hiếu Minh:
Xin ông cho biết tại sao Học viện quyết định mở thêm chuyên ngành mới Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động vào thời điểm này?
Việc tổ chức đào tạo 3 ngành An toàn thông tin, CNTT và KTĐT-TT với hệ đào tạo nhân lực cho xã hội nhằm tạo thành thế “kiềng 3 chân” nằm trong định hướng, chiến lược phát triển của Ban Cơ yếu Chính phủ và Học viện KTMM. Hơn 13 năm qua, Học viện đã lần lượt mở các ngành đào tạo An toàn thông tin từ năm 2004, CNTT từ năm 2016 và năm nay là ngành KTĐT-TT với chuyên ngành Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động.
Cùng với đó, sự quan tâm, tín nhiệm của các thí sinh trong cả nước với 2 ngành An toàn thông tin và CNTT những năm qua cũng là động lực để của Học viện KTMM mạnh dạn mở rộng tổ chức chuyển sinh và đào tạo chuyên ngành Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động thuộc ngành ngành KTĐT-TT trong năm nay.
Riêng về lý do chọn hướng đi vào Hệ thống nhúng và điều khiển tự động, theo khảo sát của chúng tôi, tại Việt Nam hiện nay, tính từ Nam ra Bắc cũng mới chỉ vài trường có chuyên ngành sâu về lĩnh vực này. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực chuyên sâu về thiết kế hệ thống nhúng, hệ thống điều khiển công nghiệp và vi mạch đang rất lớn và cấp bách.
Thuật ngữ hệ thống nhúng hiện đã trở nên khá phổ biến. Thực tế, các sản phẩm như máy vi tính, thiết bị viễn thông, điện tử công nghiệp, điện tử dân dụng... đã và đang phát triển rất nhanh, trong đó các hệ thống nhúng điện tử và vi điện tử là cốt lõi của sự phát triển này. Theo các nhà thống kê trên thế giới, thị trường hệ thống nhúng lớn gấp khoảng 100 lần thị trường PC, trong đó số chip xử lý trong các hệ thống nhúng chiếm tới 99% số chip xử lý được sử dụng. Rất nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới và trong nước đang tập trung phát triển vào lĩnh vực này và kéo theo nhu cầu khổng lồ về nhân lực với mức lương hấp dẫn.
Có thể thấy, nhu cầu đào tạo nhân lực về lĩnh vực Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động, với yêu cầu kỹ năng trong cả phát triển phần mềm và thiết kế phần cứng cho các hệ thống truyền thông được đặt ra trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch chuyển của nền kinh tế Việt Nam - chuyển tỷ trọng 70% sang sản xuất công nghiệp và tự động hóa, hệ thống nhúng và điều khiển tự động đang là một trong những lĩnh vực thiếu hụt nhân lực trầm trọng.
Để triển khai tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành mới từ năm nay, Học viện đã có những chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Nhiệm vụ đào tạo kỹ sư chuyên ngành Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động sẽ do khoa Điện tử Viễn thông đảm trách, sử dụng đội ngũ nhân sự và hệ thống trang thiết bị, phòng thực hành đã được đầu tư cho khoa trong nhiều năm qua. Đây là khoa ra đời và phát triển cùng với quá trình phát triển của Học viện KTMM. Trước đây, khoa chịu trách nhiệm giảng các môn học về điện tử, viễn thông cho các sinh viên ngành KTMM. Từ khi Học viện mở rộng đào tạo cả hệ Dân sự với các ngành An toàn thông tin và CNTT, khoa có thêm nhiệm vụ giảng dạy tất cả các môn liên quan đến điện tử, viễn thông trong chương trình đào tạo Kỹ sư An toàn thông tin và CNTT.
Hầu hết các môn học trong chương trình đào tạo kỹ sư chuyên ngành Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động của Học viện KTMM đều có phần thực hành chiếm 1/3 tổng thời gian học (Trong ảnh: sinh viên Học viện KTMM thực hành môn Kỹ thuật mạch điện từ)
Chương trình đào tạo kỹ sư chuyên ngành Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động của Học viện được xây dựng với mục tiêu trang bị cho người học các phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu hoạt động trong khu vực kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng; kiến thức cơ sở chuyên môn vững chắc để thích ứng tốt với các công việc trong lĩnh vực điện tử viễn thông; có năng lực tham gia xây dựng và phát triển hệ thống điện tử, viễn thông, thiết kế chế tạo các sản phẩm điện tử, hệ thống nhúng và hệ thống PLC, phục vụ ngành Cơ yếu nói riêng và xã hội nói chung trong bối cảnh phát triển rất nhanh của ngành KTĐT-TT; và các kỹ năng xã hội cần thiết, khả năng tự học, tự nghiên cứu để thành công trong cuộc sống và nghề nghiệp.
Đồng thời, chương trình đào tạo cũng cho phép khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa các chuyên ngành trong ngành KTĐT-TT.
Trong quá trình xây dựng khung chương trình đào tạo chuyên ngành Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động, ngoài việc dựa theo khung chương trình đào tạo ngành Điện tử, truyền thông của Bộ GD&ĐT, chúng tôi cũng đã tham khảo chương trình khung của một số trường đại học trong và ngoài nước, kết hợp với quá trình khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp Samsung, Foxconn, Viettel và LG Việt Nam.
Ông có thể cho biết đâu là ưu thế, điểm nhấn nổi bật của chuyên ngành mới Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động của Học viện Học viện KTMM?
Với chuyên ngành mới Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động, Học viện KTMM xác định sẽ đào tạo ra các kỹ sư được cung cấp đầy đủ những kiến thức cần thiết, nhưng cũng có thiên hướng mạnh hơn về các kiến thức thực tiễn để sau này khi họ ra trường có thể phục vụ ngay cho các khu vực: doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp và các hệ thống khác. Ban lãnh đạo Học viện đã chỉ đạo nhóm xây dựng chương trình phải đặc biệt chú trọng đến tính thực hành, thực tiễn.
Để xây dựng khung chương trình đào tạo chuyên ngành mới, chúng tôi đã khảo sát các doanh nghiệp như Foxconn, Samsung tại khu công nghiệp Bắc Ninh. Các doanh nghiệp này cho biết, khi sử dụng kỹ sư tốt nghiệp các trường Việt Nam, họ đã phải mất khoảng 7 năm đào tạo lại để các kỹ sư có thể làm việc độc lập.
Từ thực tế đó, khi xây dựng chương trình, chúng tôi đã nhấn mạnh rất nhiều đến tính thực hành. Cụ thể, với hầu hết các môn học trong chương trình đào tạo kỹ sư chuyên ngành Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động, tuy tính lý thuyết về mặt hàn lâm, nền tảng vẫn bắt buộc phải có, song từ các môn cơ sở ngành đến cơ sở chuyên ngành cho đến những môn chuyên ngành, phần thực hành đều chiếm khoảng 1/3 thời gian học. Ngoài kỳ thực tập tốt nghiệp, cả chương trình đào tạo chuyên ngành mới có 9 học kỳ, bắt đầu từ học kỳ thứ 6, mỗi học kỳ trường đều bố trí cho sinh viên thực hiện từ 1 - 2 đồ án, môn thực hành tổng hợp.
Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ sinh viên các khóa đào tạo dân sự của Học viện KTMM ra trường có việc làm ngay đạt khoảng 80% (Ảnh minh họa: Minh Quyết)
Có thể khẳng định, ưu điểm nổi bật của chương trình đào tạo chuyên ngành Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động của Học viện so với chuyên ngành tương tự tại các trường khác là nhấn mạnh hơn đến tính thực tiễn. Chúng tôi kỳ vọng với chương trình đào tạo hướng mạnh đến tính thực tiễn này, các kỹ sư về Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động của Học viện KTMM sẽ không mất quá nhiều thời gian để bắt nhịp được với công việc thực tế.
Ông đánh giá như thế nào về cơ hội việc làm của các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động của Học viện?
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động của Học viện KTMM, sinh viên sẽ được cấp bằng Kỹ sư, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để đảm trách các công việc như: thiết kế, phát triển, lập trình ,vận hành các hệ thống nhúng và điều khiển tự động ứng dụng trong các lĩnh vực điện - điện tử - vi mạch, chip - tự động hóa - điện công nghiệp trong các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp - khu chế xuất, nơi các tập đoàn hàng đầu thế giới đặt tại Việt Nam đang sản xuất đồ điện tử, máy tính, điện thoại di động, đồ điện tử gia dụng, điện tử - điện lạnh; các công ty điện tử viễn thông, CNTT…
Trong bối cảnh nhu cầu nhân lực cho việc phát triển các hệ thống nhúng và điều khiển tự động, từ thiết kế phần cứng cho đến lập trình phần mềm rất cao như tôi đã đề cập đến ở trên, Học viện tin tưởng rằng các lứa kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động của trường sẽ được các xã hội, doanh nghiệp “săn đón”.
Riêng về thu nhập, khó có thể đưa ra dự báo chính xác về mức lương của nhân sự làm trong lĩnh vực này sau 5 năm tới, tuy nhiên từ kết quả khảo sát của các hãng nghiên cứu thị trường, ngoài nhu cầu tuyển dụng lớn thì mức lương, chế độ đãi ngộ mà các doanh nghiệp trả cho kỹ sư điện tử, đặc biệt là các vị trí quản lý trong lĩnh vực sản xuất được đánh giá là đang và vẫn sẽ ở mức hấp dẫn nhất. Theo ước tính hiện nay, thu nhập khởi điểm của kỹ sư Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động khoảng 450 USD/tháng, thu nhập trung bình khoảng từ 800 - 1.000 USD/tháng.
Xin cảm ơn ông!
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy hệ Dân sự năm 2017 của Học viện KTMM là 900 sinh viên cho cả 3 ngành đào tạo. Trong đó, chỉ tiêu ngành An toàn thông tin tại 2 cơ sở Hà Nội, TP.HCM của Học viện là 600 sinh viên; 200 chỉ tiêu ngành CNTT (chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm nhúng và Di động); và 100 chỉ tiêu cho ngành mới KTĐT-TT (chuyên ngành Hệ thống nhúng và Điều khiển tự động). Năm nay, Học viện tiếp tục xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức. Các thí sinh sẽ tham gia xét tuyển theo kết quả của một trong 3 tổ hợp môn thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, bao gồm: Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên; Toán, Vật lý, Hóa học (khối A); Toán, Vật lý, Tiếng Anh (khối A1).
Link bài gốc: